Trong dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt Nam từ lâu đã xem Vua Hùng là tổ tiên của dân tộc. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là dịp để tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân đã khai sinh giống nòi, mở mang bờ cõi mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc.
Từ xa xưa, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức người Việt. Ngọc phả Hùng Vương (1470) ghi chép rằng từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần cho đến triều Hậu Lê, các vương triều đều cùng hương khói tại đền thờ ở làng Trung Nghĩa (nay là làng Cổ Tích). Nhân dân cả nước đến lễ bái để tưởng nhớ công lao các bậc Thánh Tổ. Ngày Giỗ Tổ đã trở thành một lễ hội quốc gia, được lưu truyền trong dân gian qua câu ca:
"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba."
Kế tục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL ngày 18/2/1946, quy định công chức được nghỉ hưởng lương vào ngày Giỗ Tổ. Năm 1946, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng dâng lên tổ tiên một tấm bản đồ Tổ quốc và một thanh gươm quý, cầu mong quốc thái dân an, đất nước vững bền.
Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ nhắc nhớ về cội nguồn mà còn khẳng định niềm tự hào về lịch sử lâu đời của dân tộc. Mỗi dịp Giỗ Tổ, người Việt đều hướng về Đền Hùng - nơi tôn kính bậc nhất, là biểu tượng thiêng liêng của dân tộc. Hiện cả nước có khoảng 1.417 di tích thờ cúng Hùng Vương, riêng tỉnh Phú Thọ có 345 di tích. Ngoài ra, cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng duy trì tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng, thể hiện niềm tự hào dân tộc.
Theo sử liệu, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện từ hơn 2.000 năm trước. Dưới thời Thục Phán - An Dương Vương, cột đá thề được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, khẳng định trách nhiệm bảo vệ giang sơn mà các Vua Hùng trao lại.
Ngày 19/9/1954, trước khi tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghé thăm Đền Hùng, gặp gỡ cán bộ Đại đoàn Quân Tiên phong và căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Lời dạy ấy đã trở thành kim chỉ nam cho bao thế hệ nối tiếp.
Ngày 6/1/2001, Chính phủ chính thức công nhận ngày 10/3 Âm lịch là Quốc lễ. Ngày 6/12/2012, UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, khẳng định giá trị to lớn của di sản này đối với cộng đồng toàn cầu.
Với những giá trị đặc biệt, ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng Đền Hùng là di tích quốc gia đặc biệt. Nhân dân Việt Nam kỷ niệm Ngày Giỗ Tổ không chỉ để tỏ lòng tôn kính tổ tiên mà còn để bồi đắp tình yêu quê hương, tinh thần đoàn kết dân tộc. Càng tự hào về lịch sử, chúng ta càng phải nỗ lực thực hiện lời dạy của Bác: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Tin bài: Phòng CTCT&HSSV