Một nhà giáo với tinh thần trách nhiệm cộng đồng cao là hình mẫu sống động; truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên về lối sống trách nhiệm, nhân ái và tinh thần phục vụ. Hành trình phát triển nghề nghiệp của mỗi nhà giáo vì thế không chỉ có ý nghĩa với bản thân các thầy cô mà còn để lại dấu ấn đẹp đẽ trong trái tim cộng đồng, xã hội.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
Cùng với nhận định nêu trên, GS.TS Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã có những chia sẻ thân tình với Giáo dục TP.HCM về một chủ đề đầy tính nhân văn, ý nghĩa là nhà giáo với trách nhiệm cộng đồng.
Không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là sứ mệnh cao cả
– Thưa ông, những năm gần đây, trách nhiệm cộng đồng là vấn đề được đề cập khá nhiều đối với nhà giáo, ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?
– GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Trách nhiệm cộng đồng không chỉ ở nhà giáo mà còn là với mỗi cá nhân trong đời sống. Tùy công việc cụ thể và dựa trên năng lực riêng, mỗi người đóng góp để cộng đồng, xã hội trở nên tích cực hơn.
Trách nhiệm cộng đồng của nhà giáo không chỉ là nhiệm vụ mà còn là sứ mệnh cao cả. Đây không chỉ là trách nhiệm truyền đạt kiến thức mà còn là việc góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn thông qua giáo dục và tác động của mình đến cộng đồng.
Trách nhiệm cộng đồng của nhà giáo không chỉ dừng lại ở giảng dạy trong lớp học mà có thể hiểu là việc thực hiện nhiệm vụ liên quan đến đáp ứng các yêu cầu của cộng đồng, đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng. Chẳng hạn như việc nhà giáo định hướng cho học sinh, sinh viên về giá trị đạo đức, lối sống và trách nhiệm với xã hội… Điều này đòi hỏi các nhà giáo không ngừng học hỏi, đổi mới và làm việc với một tâm thế cống hiến vì lợi ích chung.
– Hiện nay, có quy định nào về trách nhiệm cộng đồng của nhà giáo hay giảng viên không, thưa ông?
Hiện nay, trách nhiệm cộng đồng của nhà giáo tại Việt Nam được quy định qua các cơ sở pháp lý mang tính chỉ đạo và những văn bản về tầm nhìn, sứ mệnh của các cơ sở giáo dục ĐH. Song song đó, việc nêu gương trách nhiệm của nhà giáo được đề cập trong một số văn bản pháp luật và các quy định, hướng dẫn liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, nhiệm vụ của nhà giáo.
Một số văn bản tiêu biểu gồm: Luật Giáo dục 2019 (trong Điều 69 khẳng định nhà giáo không chỉ có nhiệm vụ giảng dạy mà còn phải gương mẫu, tận tụy, có trách nhiệm với học sinh, sinh viên và xã hội). Luật cũng yêu cầu nhà giáo phải thực hiện những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, trong đó bao gồm trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Luật Giáo dục ĐH 2018 (sửa đổi, bổ sung) tại Điều 54 quy định trách nhiệm và quyền hạn của giảng viên có nhấn mạnh vai trò của giảng viên trong việc tham gia phát triển cộng đồng, đóng góp vào các hoạt động phục vụ xã hội và bảo vệ lợi ích cộng đồng…
Hướng tới cộng đồng, giảng viên ĐH tại TP.HCM tham gia quyên góp hỗ trợ đồng bào bị bão lũ
Bên cạnh đó còn một số văn bản khác như: Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định về đạo đức nhà giáo; Bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục theo Điều 3 Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT; Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo nhấn mạnh vai trò của nhà giáo trong việc xây dựng và phát triển xã hội văn minh, bền vững; Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh yêu cầu nhà giáo nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với học sinh và cộng đồng…
Riêng tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chúng tôi có ban hành quy định phục vụ cộng đồng từ tháng 2-2023; trong đó xác định rõ các mục tiêu, nguyên tắc, chính sách và các loại hình phục vụ cộng đồng. Nhà trường xác định 4 hoạt động chủ yếu gồm: Quảng bá, gắn kết với các cơ sở giáo dục; tình nguyện, công tác xã hội; kết nối cơ sở giáo dục và doanh nghiệp khởi nghiệp; đào tạo, nghiên cứu và gắn kết với xã hội – cộng đồng.
Lan tỏa tính nhân văn, truyền cảm hứng cho người học
– Vậy theo ông đánh giá, trách nhiệm cộng đồng đã và đang được nhà giáo thực hiện ra sao?
Trách nhiệm này hiện nay đã và đang được nhà giáo thực hiện một cách đa dạng, ngày càng có chiều sâu và nhận được sự quan tâm của xã hội. Những đóng góp này không chỉ gói gọn trong việc dạy học, giáo dục – đào tạo mà còn mở rộng ra các lĩnh vực cộng đồng, thể hiện qua một số khía cạnh và đạt những kết quả thiết thực được xã hội ghi nhận.
Điển hình như hành trình hơn 40 năm gian nan “gieo” chữ ở vùng cao thuộc xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) của thầy giáo Nguyễn Sỹ Hà. Hay trong bối cảnh đại dịch Covid-19, rất nhiều nhà giáo đã không ngại khó khăn tham gia hỗ trợ cộng đồng, từ việc tổ chức các lớp học trực tuyến miễn phí, dạy kèm cho học sinh khó khăn đến tham gia các hoạt động phòng chống dịch. Những tình huống này đã thể hiện rất rõ tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng vì lợi ích chung của nhà giáo.
– Trách nhiệm cộng đồng của nhà giáo có tác động gì đến hành trình phát triển nghề nghiệp bản thân các thầy cô, thưa ông?
Theo tôi, trách nhiệm cộng đồng không chỉ là một phần của công việc mà còn là yếu tố định hình và tạo thêm dấu ấn cho quá trình phát triển nghề nghiệp của mỗi nhà giáo. Qua các hoạt động phục vụ cộng đồng, nhà giáo xây dựng được hình ảnh tích cực, lan tỏa các giá trị tốt đẹp và trở thành hình mẫu để học sinh, đồng nghiệp… noi theo.
Một nhà giáo với tinh thần trách nhiệm cộng đồng cao là hình mẫu sống động; truyền cảm hứng cho học sinh về lối sống trách nhiệm, nhân ái và tinh thần phục vụ. Hành trình nghề nghiệp của mỗi nhà giáo vì thế không chỉ có ý nghĩa với bản thân các thầy cô mà còn để lại dấu ấn đẹp đẽ trong trái tim cộng đồng.
– Với ý nghĩa như vậy, nhà quản lý cơ sở giáo dục có thể khích lệ giảng viên, giáo viên tham gia thực hiện trách nhiệm cộng đồng bằng những cách nào?
Để làm hiệu quả điều này, tôi nghĩ các nhà quản lý phải là những người tiên phong tham gia những hoạt động cộng đồng, truyền cảm hứng bằng những câu chuyện thực tế; qua đó, tạo động lực và khuyến khích giảng viên, giáo viên tham gia. Giáo viên sẽ thấy được rằng những việc mình làm có thể tạo ra sự thay đổi lớn.
Đồng thời, có thể lồng ghép trách nhiệm cộng đồng vào các mục tiêu chiến lược của trường. Chẳng hạn như phối hợp tổ chức các chương trình ngoại khóa, dự án hợp tác với địa phương nhằm phát triển văn hóa và giáo dục cộng đồng; kết nối hoạt động giảng dạy với các mục tiêu cộng đồng.
Tại trường chúng tôi, sinh viên được gắn kết cộng đồng thông qua hoạt động thực tập tại xã đảo Thạnh An (Cần Giờ) từ năm học 2023 đến 2025. Và sắp tới, trường sẽ tiếp tục thực hiện các dự án liên quan đến giáo dục cộng đồng, học tiếng Anh cộng đồng… tại Côn Đảo, Phú Quốc.
Ngoài ra, cần tạo điều kiện, môi trường để giảng viên, giáo viên đề xuất và triển khai các dự án cộng đồng phù hợp với chuyên môn, sở thích. Nhà trường có thể hỗ trợ chi phí hoặc giảm tải công việc để giảng viên, giáo viên tham gia các hoạt động cộng đồng một cách thuận lợi. Xem trách nhiệm cộng đồng là một phần tiêu chí đánh giá năng lực và thành tích của giảng viên, giáo viên trong từng năm học nhằm tạo động lực tham gia tích cực hơn nữa.
Theo Mê Tâm (Tạp chí Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh online)