Cao Bằng là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, căn cứ địa cách mạng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về, cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Truyền thống yêu nước, đấu tranh anh dũng của quê hương Cao Bằng đã sản sinh nhiều anh hùng, cán bộ lãnh đạo, tướng lĩnh cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Một trong những người cộng sản kiên trung, nhà cách mạng ưu tú của quê hương Cao Bằng, đó là đồng chí Hoàng Đình Giong, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người thanh niên yêu nước giác ngộ cách mạng sâu sắc
Đồng chí Hoàng Đình Giong là người dân tộc Tày, sinh ngày 1-6-1904, tại làng Thâm Hoáng, xã Hạ Hoàng (nay là phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng). Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, lớn lên trong bối cảnh đất nước chịu cảnh nô lệ lầm than, từ thuở nhỏ, Hoàng Đình Giong đã sớm bộc lộ tư tưởng yêu nước. Đồng chí sớm tiếp nhận tư tưởng yêu nước tiến bộ, tích cực tham gia tuyên truyền cách mạng trong học sinh ở một số địa phương của tỉnh Cao Bằng.
Đồng chí Hoàng Đình Giong (1904 - 1947)
Những ngày đầu hoạt động cách mạng, đồng chí bí mật tuyên truyền tư tưởng yêu nước trong học sinh các trường ở thị xã Cao Bằng, các huyện Hòa An và Hà Quảng. Những năm 1925-1926, đồng chí về Hà Nội học Trường Bách nghệ và gia nhập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Đồng chí tích cực tham gia phong trào bãi khóa của học sinh Hà Nội, tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Vì lý do này mà Hoàng Đình Giong bị đuổi học, trở về Cao Bằng.
Năm 1927, đồng chí Hoàng Đình Giong ra nước ngoài để bắt liên lạc với tổ chức hội. Năm 1928, đồng chí được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.Tháng 12-1929, Hoàng Đình Giong cùng các đồng chí Hoàng Văn Thụ và Hoàng Văn Nọn được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và thành lập chi bộ ở Long Châu (Trung Quốc), đồng chí được bầu làm Bí thư Chi bộ hải ngoại. Với tư cách người phụ trách hội ở hải ngoại, đồng chí Hoàng Đình Giong đã ra sức chỉ đạo xây dựng Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Cao Bằng, chọn cử nhiều thanh niên đi đào tạo tại các lớp huấn luyện của hội rồi lại đưa về hoạt động. Vì vậy, cuối năm 1928, các cơ sở hội ở thị xã Cao Bằng và Mỏ thiếc Tĩnh Túc đã được tổ chức. Đây là những cơ sở hội đầu tiên tạo tiền đề cho phong trào cách mạng Cao Bằng phát triển mạnh mẽ. Trong những năm 1928-1930, đồng chí Hoàng Đình Giong vừa là người lãnh đạo, vừa là giảng viên trực tiếp tổ chức các lớp tập huấn đào tạo lý luận chính trị cho các đồng chí cán bộ tại Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Long Châu (Trung Quốc).
Người trực tiếp thành lập chi bộ đầu tiên ở Cao Bằng
Ngày 1-4-1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập. Sự ra đời của Chi bộ Đảng ở Cao Bằng đã đánh dấu bước phát triển mới, một bước ngoặt trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng vững bước đi lên dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng. Với tư cách là Bí thư Chi bộ, đồng chí Hoàng Đình Giong được Đảng trực tiếp giao nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức gây dựng, phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng, Lạng Sơn. Đồng chí Hoàng Đình Giong đã xây dựng Cao Bằng thành cầu nối giữa Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng với phong trào cách mạng trong nước. Với thành tích xuất sắc trên, đồng chí Hoàng Đình Giong được dẫn đầu đoàn đại biểu Xứ ủy Bắc kỳ tham dự Đại hội lần thứ Nhất Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc) vào tháng 3-1935 và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trở thành Ủy viên Trung ương Đảng khi mới 31 tuổi.
Trước làn sóng đấu tranh cách mạng của quần chúng, thực dân Pháp và tay sai tập trung lực lượng, điên cuồng khủng bố, đàn áp, song ở Cao Bằng, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Đình Giong các cơ sở Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng tiếp tục được củng cố và phát triển. Trong giai đoạn 1930-1935, nhiều chi bộ Đảng ở Cao Bằng được thành lập. Cùng với việc củng cố, phát triển các tổ chức cơ sở Đảng, đồng chí Hoàng Đình Giong chỉ đạo thành lập các tổ chức cách mạng của quần chúng như Công hội đỏ, Nông hội đỏ. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Đình Giong, Tỉnh ủy Cao Bằng đã xuất bản tờ báo “Cờ đỏ” để tuyên truyền vận động cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân làm cách mạng.
Cán bộ quân sự tài năng
Năm 1936, đồng chí Hoàng Đình Giong được phân công trở lại vùng Duyên Hải (Hải Phòng, Quảng Ninh) để hoạt động nhằm củng cố đường dây liên lạc từ nước ngoài về nước chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng.
Tại Hải Phòng, đồng chí bị thực dân Pháp theo dõi và bị bắt ngày 4-2-1936, đưa về Cao Bằng xét xử và kết án 5 năm tù, lần lượt bị giam cầm ở các nhà tù trong nước và đày đi châu Phi. Trong nhà tù thực dân, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng, đến khi về tới Ấn Độ, lợi dụng danh nghĩa quân đội đồng minh chống phát-xít, đồng chí đã cùng các ông Lê Giản, Dương Công Hoạt và Hoàng Hữu Nam được không quân Anh chở máy bay nhảy dù xuống Cao Bằng (tháng 10-1944). Trở về Tổ quốc, Hoàng Đình Giong tích cực hoạt động và có nhiều đóng góp trong tổ chức lãnh đạo lực lượng vũ trang Cao Bằng, đồng chí là Trưởng ban khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Cao Bằng.
Nhà tưởng niệm Hoàng Đình Giong (xóm Nà Toàn, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng)
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, đồng chí được Bác Hồ đặt tên là Võ Văn Đức. Sau đó đồng chí được cử làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Nam tiến vào Nam bộ đánh thực dân Pháp. Nhằm thống nhất các lực lượng vũ trang trong những ngày đầu chống Pháp, ngày 23-11-1945, Hội nghị Quân sự Nam Bộ cử đồng chí Nguyễn Bình làm Tư lệnh, đồng chí Võ Văn Đức tức Hoàng Đình Giong (đổi tên thành Vũ Đức) làm Chính ủy Quân giải phóng Nam Bộ. Tháng 12-1945, Xứ ủy Nam Bộ quyết định chia Nam Bộ thành 3 chiến khu, đồng chí Vũ Đức được phân công làm Khu bộ trưởng Khu 9. Bằng lý luận và thực tiễn chiến đấu, đồng chí Hoàng Đình Giong đã bám đất, bám dân, xây dựng khối đại đoàn kết vững chắc giữa bộ đội các địa phương, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, xây dựng căn cứ địa ở miền Tây Nam Bộ, làm cơ sở vững chắc cho cả cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sau này.
Một buổi sáng tháng 3-1947, đồng chí Vũ Đức đang biên soạn tài liệu huấn luyện dân quân, du kích thì một toán quân Pháp từ phía Đà Lạt, vượt đỉnh núi Thiên Thai, đánh vào sau lưng chiến khu. Giặc ập đến quá nhanh, Khu bộ trưởng Vũ Đức đã lệnh cho những người bên cạnh đi hủy tài liệu, còn mình sử dụng súng ngắn chặn địch. Đồng chí đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh anh dũng.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ở cương vị nào, đồng chí Hoàng Đình Giong cũng thể hiện phẩm chất cao đẹp và bản lĩnh của một vị “Tướng quân tại ngoại”. Đồng chí đã thể hiện một tấm gương sáng ngời của người cộng sản: sống vì Đảng, chết không rời Đảng, trọn đời hy sinh, phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, tiêu biểu cho đạo đức anh hùng cách mạng trong thời đại mới. Đồng chí xứng đáng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ghi nhận những cống hiến và công lao to lớn của đồng chí Hoàng Đình Giong đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, năm 1998, Đảng và Nhà nước đã truy tặng đồng chí Huân chương Hồ Chí Minh.
Nguồn: Thiếu tướng NGUYỄN ĐÌNH LONG, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu đăng trên Báo điện tử Quân khu 1.