Sáng ngày 10/3/2022, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý phối hợp với Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia về đề xuất xây dựng Luật điều chỉnh về nhà giáo theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.
Đây là Hội thảo chuyên môn được Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tổ chức để tham vấn ý kiến của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các chuyên gia trong và ngoài ngành về những quy định, chính sách liên quan đến đội ngũ nhà giáo nhằm hoàn thiện dự thảo Báo cáo về Chính phủ về đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo.
Trên cơ sở báo cáo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý về những nội dung cơ bản, các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển đội ngũ nhà giáo và một số điểm chú ý trong chính sách về nhà giáo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về: tính cấp thiết của việc xây dựng Luật Nhà giáo trong bối cảnh hiện nay, những chính sách về chuẩn hóa các vấn đề nhà giáo, tiêu chuẩn và tuyển dụng nhà giáo, phát triển chuyên môn nhà giáo và các chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo; những nội dung cụ thể góp ý, hoàn thiện dự thảo báo cáo.
Tại Hội thảo, GS.TS. Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã có những góp ý cụ thể về việc cần có những quy định rõ về quyền và trách nhiệm của nhà giáo, bên cạnh đó cần có tiêu chuẩn chung tối thiểu cho giáo viên cần phải đạt được để công tác trong ngành giáo dục, và phải thể hiện rõ các tiêu chuẩn cụ thể cho các giáo viên ở các cấp bậc học về trình độ, phẩm chất.
GS.TS. Huỳnh Văn Sơn (bên trái) - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM phát biểu tại Hội thảo.
Đồng thời, ông cũng chia sẻ thêm về chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là đối với chuyên gia quốc tế: “Nhà giáo là đối tượng lao động vô cùng đặc thù, vì vậy bên cạnh việc có thể sử dụng các quy định chung của quy định viên chức, cần nhìn vào đặc thù của lao động sư phạm của nhà giáo để làm sao thúc đẩy được sự phát triển nguồn nhân lực góp phần phát triển kinh tế xã hội. Chính vì vậy, trong bốn chính sách lớn được đề xuất, tôi vô cùng ủng hộ chính sách về chế độ tiền lương, nhất là các yếu tố đặc thù trên khung lương và các vấn đề có tính pháp lý còn yếu hoặc chưa được kiểm soát triển khai: dạy trẻ em khuyết tật, lớp đông, dạy bằng tiếng dân tộc, dạy ngoại ngữ, hướng dẫn hỗ trợ đồng nghiệp phát triển chuyên môn…. Và hiện nay, cũng có không ít số lượng nhất định các nhà giáo là người nước ngoài cũng đã và đang tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam nhưng các quy định về chế độ cho các nhóm đối tượng này chưa cụ thể và phần nào nó chưa thể hiện trong một văn bản luật thống nhất..” Ngoài ra, ông cũng đề xuất cần có chính sách hỗ trợ nhà giáo khi đối mặt với một số tình huống bất thường, nhất là đối với nhóm giáo viên ngoài công lập.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Trên cơ sở các ý kiến tham vấn tại Hội thảo, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý sẽ tiếp thu và tiếp tục triển khai nghiên cứu phục vụ công tác quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay./.